Với địa bàn kinh doanh tập trung ở Sơn La, những người công nhân Chi nhánh Xăng dầu Sơn La thuộc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình đã không ngừng nỗ lực “cõng” từng “dòng” xăng dầu lên núi, giữ cho dòng huyết mạch của kinh tế - xã hội vùng cao thông suốt.
Có lẽ trong tiềm thức của nhiều người, kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh “hái ra tiền”. Nhưng ít ai biết, trong hoàn cảnh thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều nguồn cung, những doanh nghiệp nhà nước không chỉ nỗ lực giữ vững vị thế ở những thị trường chính mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo nguồn cung xăng dầu thông suốt tại các địa bàn khó khăn. Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Petrolimex Hà Sơn Bình) - Chi nhánh Sơn La là một trong những điển hình như thế.
Kinh doanh xăng dầu dưới xuôi đã khó, “cõng” xăng lên núi còn khó hơn. Bởi lẽ ở những vùng đường núi này, chỉ tính riêng chi phí vận chuyển đã chiếm một phần lớn giá thành kinh doanh. Chính vì thế, không nhiều doanh nghiệp mặn mà với công việc này. Chưa kể, đường núi đèo dốc, nếu không phải là người thông thuộc địa bàn thì không thể “cõng” xăng dầu an toàn lên núi.
Ông Vũ Quang Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Sơn La thuộc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình - chia sẻ, ở những vùng đường núi sương mù dày đặc, khoảng cách nhìn chỉ vài mét, những chiếc xe téc chở xăng dầu cứ bám lấy nhau mà căn, dò đường. Chỉ một chút sơ sảy là bị trả giá bằng cả tính mạng. Chưa kể những lần gặp lở núi, việc nằm lại cùng xe cả tuần lễ là bình thường. Do vậy, phần lớn lái xe xăng dầu là người gốc Sơn La, thạo địa hình đèo núi như lòng bàn tay, hiểu được từng điểm, từng nơi, từng con người mà chuyến xe đi qua.
Riêng những khu vực núi cao, suối vắt ngang núi, đưa xăng dầu lên không chỉ đòi hỏi sự gan dạ mà còn cần cả khéo léo, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Ở những vùng này, công ty sẽ chủ động chuyển từng thùng phuy 1,5m3 sang bờ bên kia, sau đó thuê xe tải nhẹ vận chuyển qua cầu. Phương pháp vận chuyển này tuy tốn kém, nhưng do Petrolimex là đơn vị kinh doanh xăng dầu duy nhất trên địa bàn, nên không thể để nguồn cung xăng dầu đứt đoạn…
Khó khăn là thế, vất vả là thế nhưng công ty vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cụ thể, tính riêng trong quý 1/2015, công ty đã cung ứng cho thị trường trên 27.100 m3 nhiên liệu, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2014; 123,8 m3 dầu mỡ nhờn, tăng 26,1% so với cùng kỳ; 197,3 tấn gas hóa lỏng, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Với thị phần xăng dầu đạt trên 75%, tỷ trọng bán lẻ xăng dầu chiếm khoảng 53,5%, thị phần dầu mỡ nhờn rời khoảng 17%... công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều tiết và bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh, hoàn thành kế hoạch kinh doanh và đảm bảo đời sống cho người lao động. Có xăng dầu, bà con miền núi đã dần bỏ thói quen sử dụng sức kéo trâu, bò, chuyển sang máy nông nghiệp có hiệu quả. Phương tiện vận tải phục vụ sinh hoạt, kinh doanh được sử dụng nhiều hơn, giảm chi phí sản phẩm đầu ra, khuyến khích tiêu dùng…
Những tháng cuối năm, chi nhánh Sơn La đặt mục tiêu tiếp tục phát huy, giữ vai trò điều tiết và bình ổn thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng để hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất- kinh doanh năm 2015. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng thêm một số cửa hàng xăng dầu để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của bà con, giữ thương hiệu Petrolimex bền vững trên địa bàn vùng cao.
Kinh doanh xăng dầu ở miền núi càng bán nhiều càng lỗ, vì tất cả chi phí định mức chỉ 600 đồng/lít xăng dầu, nhưng riêng cước vận tải ở Sơn La trung bình đã 850 đồng/lít. Với vị trí của mình, Petrolimex không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thuần túy mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp nhà nước là đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho bà con dân tộc.